Sáng ngày 1/3, tại chùa An Việt Nam Phật Quốc tự – Ngôi chùa Việt tại Bồ Đề Đạo Tràng – Ấn Độ đã trang nghiêm diễn ra Lễ Khánh thành ngôi Tịnh liêu Đức Đệ nhất Pháp chủ cố Đại lão HT.Thích Đức Nhuận. Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Trưởng Ban VHTW GHPGVN dự lễ khánh thành và có bài phát biểu tại đây.
Chư tôn giáo phẩm GHPGVN và chư Tăng quốc tế của các tự viện ở Bồ Đề Đạo Tràng tụng kinh bằng nhiều ngôn ngữ, tưởng niệm Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN, đồng thời cầu nguyện thế giới hoà bình, mưa thuận gió hoà.
“Phòng trưng bày nhằm tưởng nhớ công đức cao dày của Đức Đệ nhất Pháp chủ, với 3 ý nghĩa chính: Tỏ lòng tôn kính đến ngài đối với đạo pháp, dân tộc; Làm tấm gương sáng soi cho hậu thế học tập và noi theo; Giới thiệu một bậc cao tăng của Phật giáo Việt Nam đã góp phần không nhỏ cho sự lan toả tinh thần, tư tưởng của Đức Phật, làm sáng đạo trong đời ở đất nước Việt Nam đến giới Phật giáo thế giới” Hòa thượng Thích Thọ Lạc cho biết.
I. Công hạnh của Đức đệ nhất Pháp chủ GHPGVN
– Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận (1897-1993), là bậc cao tăng của thế kỷ 20. Thân phụ của Ngài là cụ ông Phạm Công Toán và thân mẫu của Ngài là Cụ bà Lê Thị Vụ, quê Ngài tại xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 15 tuổi Ngài xuất gia với Sư tổ Thích Thanh Nghĩa, trụ trì Chùa Đồng Đắc (Tổ Đình Kim Liên) tại xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ngài thụ giới tỳ khưu năm 20 tuổi và giới Bồ tát năm 37 tuổi.
+ Tư chất của Ngài:
– Là người hiền lương hiếu hạnh: Ngay từ nhỏ đã theo thân phụ đến chùa Đồng Đắc, kê đơn bốc thuốc cứu dân độ đời;
– Là người thông minh hiếu học: từng tham học các chốn tổ lừng danh tại xứ Bắc lúc bấy giờ;
+ Hạnh nguyện của Ngài:
– Hạnh Giải tương ưng: học đi đôi với hành trì, luôn lấy tam vô lậu học (giới – định – tuệ) làm nền tảng cho việc tu thân và hành đạo;
– Ngài là bậc Luật sư: mọi suy nghĩ, nói năng, hành động và cử chỉ đều như pháp, như luật và như uy nghi;
– Ngài là bậc minh sư: luôn lấy việc giáo dục đào tăng ni làm sự nghiệp, Ngài cho rằng muốn tu đúng thì phải hiểu đúng, muốn hiểu đúng thì phải được đào tạo giáo dục tốt; nhờ vậy mà nhiều bậc tôn đức thành danh ở miền Bắc gần đây đều thọ giáo nơi đức Ngài, như HT. Trung Quán, Tâm Châu, Thanh Kiểm, Quảng Thạc, Đức Nghiệp, Thanh Tứ, Thanh Đàm, Thanh Dũng, Thanh Dục, Trí Tịnh, Thanh Minh, Thanh Nhiễu, Bảo Nghiêm, Gia Quang, Quảng Tùng…; và cả hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay đều do Ngài đề xướng….;
+ Ngài đã từng trụ trì các chốn tổ tùng lâm lớn ở Ninh Binh và Hà Nội như: Tổ đình Kim Liên (chùa Đồng Đắc); chùa Phổ Giác, Tổ đình Hoằng Ân (chùa Quảng Bá); Tổ đình Hồng Phúc (Chùa Hoè Nhai) và Chùa Quán Sứ (trụ sở trung ương giáo hội).
+ Thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam
– Trên cương vị chứng minh tối cao của cuộc vận thống nhất Phật giáo toàn quốc, Ngài cùng quý Tôn đức tiêu biểu của 9 tổ chức, sơn môn, hệ phái Phật giáo lúc bấy giờ vận động thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
– Tại đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc, Ngài đã đạo đạt lên chính phủ cho phép để phát triển Phật giáo, đó là:
1) Tín đồ được tự do tín ngưỡng theo Phật giáo;
2) Tăng Ni được tự do xuất gia theo sở nguyện;
3) Giáo hội được phép mở các hệ thống giáo dục (Đại học, Trung cấp, Sơ cấp Phật học) để đào tạo Tăng Ni.
– Ngài được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất suy tôn giữ cương vị cao nhất của giáo hội là Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam suốt 3 nhiệm kỳ, 15 năm cho đến khi viên tịch
+ Ngài viên tịch: Ngày 11/11/1993; hưởng thượng thọ 97 tuổi.
+ Di sản lớn nhất của Ngài để lại cho hậu thế đó đạo hạnh, hiếu hạnh, hiếu học, khiêm cung và giản dị. Sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài, hoằng pháp lợi sinh và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
II. Lễ Khánh thành ngôi Tịnh liêu Đức đệ nhất Pháp Thích Đức Nhuận
– Để tưởng nhớ đến công đức cao dày của Đức đệ nhất Pháp chủ, hôm nay Hoà thượng Thích Huyền Diệu, Viện chủ sáng lập An Việt Nam Phật Quốc tự đã thiết lập căn phòng tôn thờ hình tượng của Ngài mang 3 ý nghĩa chính, đó là:
1) Để tỏ lòng tôn kính đến Đức Ngài đối với đạo pháp, dân tộc và chúng sinh;
2) Để làm tấm gương sáng soi cho lớp hậu thế học tập và noi theo;
3) Nhằm giới thiệu một bậc cao tăng của Phật giáo Việt Nam đã góp phần không nhỏ cho sự lan toả tinh thần, tư tưởng của Đức Phật đến với quần chúng Phật tử, đã từng làm sáng đạo trong đời ở đất nước Việt Nam đến giới Phật giáo thế giới.
Thay mặt môn nhân pháp quyến của cố Đại lão Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ GHPGVN nói riêng và GHPGVN nói chung, trân trọng kính niệm ơn Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã nhớ nghĩ đến công đức đóng góp to lớn của Hòa thượng Bổn sư của chúng con mà làm nên phòng lưu niệm quý báu này. Việc làm này gợi nhắc cho người con xa quê, dù đi đâu hay ở trên đất Phật cũng nhớ đến các bậc cao tăng thạc đức mà nỗ lực tiến tu, đền ơn Tam bảo. Việc thiết lập phòng lưu niệm và thờ ngài nơi Tổ đường cũng là sự kết nối pháp mạch trong nước và ở nước ngoài, tạo nên một dòng truyền thừa Tổ mạch PGVN trên khắp thế giới.
Chúng con/ chúng tôi vô cùng trân trọng tri ân sự quang lâm, chứng minh và gia trì của Quý tôn đức Tăng Ni và chư vị đại biểu khách quý. Kính chúc Quý ngài vô lượng an lạc, vô lượng cát tường và vạn sự được như ý sở nguyện.
Nam mô Việt Nam Phật giáo Giáo hội, Đức đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận, hiệu Thanh Thiệu giác linh Thiền sư thiền toạ hạ – thuỳ từ chứng giám.
Sau đây xin giới thiệu hình ảnh ghi nhận:
Nguồn: Vanhoaphatgiaovietnam.net