Rồng, từ lâu đã trở thành một linh vật gắn liền với những nét văn hóa truyền thống của người Việt. Đối với những quốc gia Châu Á, Rồng là biểu tượng của sự quyền lực, mạnh mẽ, phong thái của những bật uy quyền. Còn tại Việt Nam, rồng gắn bó với trong mọi mặt trong đời sống và văn hóa, tâm linh người Việt. Rồng là nguồn cảm hứng nghệ thuật, biểu tượng tâm hồn, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là truyền thuyết con Rồng cháu Tiên: Lạc Long Quân – Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở trăm người con tượng trưng các dân tộc anh em.

Trong Phật giáo, hình tượng rồng gắn với nhiều bài kinh điển. Đặc biệt là 9 hình tượng Rồng trong kinh điển Phật giáo: Chín rồng phun nước tắm cho thái tử khi mới đản sinh, Rồng che mưa cho Phật, Phật hàng phục hỏa long, Long vương nghe kinh Thập thiện, Long nữ thành Phật, Đại Độc Long phát nguyện tu Bát Quan Trai giới, Rồng trong Thiên Long Bát Bộ, Tiểu Long làm nhiễu động các đệ tử Phật trong lúc tu tập .v.v.

Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam, ngay từ thời Lý – Trần, hình tượng rồng đã được đã được điêu khắc, ký họa trên bệ tượng Phật và những công trình kiến trúc Phật giáo. Theo vũ trụ quan Phật giáo, Rồng là 1 chủng loài nằm trong 28 bộ chúng quyến thuộc đã quy y và hầu cận Bồ Tát Quán Thế Âm. Rồng là một linh vật gắn liền với hình ảnh và truyền thuyết về Mẹ Nam Hải (Bồ Tát Quán Thế Âm hay Quán Âm Nam Hải), với hình tượng Bồ Tát Quan Thế Âm tay cầm cành dương liễu đứng trên lưng Rồng uy nghi giữa biển khơi “Trụ Long Quá Hải” tượng trưng cho hạnh nguyện cứu khổ ban vui cho chúng sanh đang nổi trôi trên biển luân hồi.
Với hạnh nguyện luôn lắng nghe, quán chiếu âm thanh khổ đau của tất cả chúng sanh để kịp thời cứu độ, Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện với rất nhiều hình tướng, trong đó có hình tướng Quán Thế Âm Trụ Long Quá Hải thị hiện ở trên biển để cứu độ những chúng sanh gặp tai ương, ách nạn. Nguyện độ thoát tất cả chúng sanh vượt ra khỏi biển khổ trầm luân:
“Nguyện một lònɡ cứu độ chúnɡ sɑnh
Luôn luôn thị hiện biển đônɡ
Vớt nɡười chìm đắm khi ɡiônɡ ɡió nhiều”
Chính vì thế, mà hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, hay Mẹ Nam Hải từ lâu đã trở thành hình tượng thân thương và gần gũi đối với người dân Việt, đặc biệt là những ngư dân vùng biển. Tương truyền rằng khi xuất hiện những cơn bão lớn, đối diện với hiểm nguy giữa biển, sóng to gió lớn, đứng giữa sự sống và cái chết, những ngư dân đã niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm thì điều nhiệm màu đã cảm ứng tới Ngài, tất cả đều được bình yên vượt qua tai nạn.
Tại Bạc Liêu, Quán Âm Phật Đài (Mẹ Nam Hải Bạc Liêu) với tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, nét mặt từ hòa hướng ra biển, tôn tượng không cao hơn 13 mét nhưng từ lâu đã trở thành ngọn hải đăng để những người dân đi biển hướng về. Vùng đất thiêng này còn có những xuất hiện nhiệm màu khi những cơn bão lớn như bão Linda vào tháng 11 năm 1997, cơn bão Tembin vào cuối tháng 12/2017 được dự đoán sẽ tràn vào tàn phá đất mũi Cà Mau, Bạc Liêu. Người dân Bạc Liêu đã hết lòng nguyện cầu Mẹ hiền Quán Thế Âm, cuối cùng những lời cầu nguyện Quán Thế Âm của Tăng Ni, đồng bào Phật tử đã đẩy lùi các cơn bão lớn hoặc suy yếu trở thành áp thấp nhiệt đới không gây thiệt hại lớn như dự đoán ban đầu.

Với những điều linh thiêng, mầu nhiệm, niềm tin vào tha lực từ bi của Mẹ Nam Hải Bạc Liêu mỗi năm nơi đây đón hàng triệu lượt du khách, thiện nam tín nữ, Phật tử trong và ngoài nước đến chiêm bái, gửi gấm những lời nguyện cầu bình an, phước lạc.
Trong những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024 này, hàng chục ngàn lượt du khách, đồng bào Phật tử đã trở về vùng đất thiêng này, du xuân, chiêm lễ Mẹ hiền Quán Thế Âm, nguyện cầu một năm mới bình an, phúc lạc.

Thực hiện: TT-TT PG Bạc Liêu.